TTO - Nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải hàng hóa vào kho hàng ở Tân Sơn Nhất (TP.HCM) đang kêu trời khi các trục đường chính kết nối vào kho hàng này xuất hiện các biển báo cấm, hạn chế các loại ôtô, xe tải lưu thông từ 6h-22h, bắt đầu từ ngày 15-8.
Đã có hàng loạt đơn hàng vận chuyển bằng đường hàng không bị chậm trễ, nguy cơ đình trệ chuỗi lưu thông hàng hóa quốc tế của nhiều DN. Nhiều DN vận chuyển hàng hóa bức xúc cho rằng việc thông báo cấm, hạn chế xe tải trên các tuyến đường trên đang gây khó khăn, cản trở việc lưu thông hàng hóa nội địa, quốc tế bằng đường hàng không.
Xuất khẩu bằng hàng không đình trệ
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Minh Nghĩa - giám đốc Công ty vận tải Nghĩa Phát - cho biết sau khi con đường dẫn vào kho hàng địa chỉ 46 Hậu Giang (Q.Tân Bình) bị giới hạn giờ cho xe tải từ 6h-22h, DN này đã không thể kịp tiến độ vào giao lô hàng thanh long cho đối tác vào sáng 19-8 để kịp xuất đi Mỹ qua kho hàng Công ty CP dịch vụ hàng hóa Tân Sơn Nhất (TCS).
"Lô hàng này phải đưa vào kho lúc 11h để kịp vận chuyển cho đối tác. Giờ cấm đường từ Trường Sơn vào Hậu Giang từ lúc 6h sáng đến 22h đêm, chúng tôi không biết phải làm sao" - ông Nghĩa nói.
Theo ông Nghĩa, thời gian vận chuyển, giao nhận những đơn hàng nông sản xuất đi nước ngoài phải nhanh để tránh hư hỏng, phát sinh giá cước. Tuy nhiên, khi chở hàng đến TP.HCM để vào nhập kho hàng TCS, các tài xế rất bất ngờ khi các tuyến đường vào kho hàng này bị hạn chế khung giờ vận chuyển khiến DN rơi vào thế bị động.
Anh Đại (đại diện Công ty CP giao nhận vận tải Đại Tuấn) cũng bức xúc khi xe tải chuyển hàng máy vi tính từ Khu công nghiệp VSIP2 ở Bình Dương lên kho hàng quốc tế TCS để xuất đi Nhật Bản nhưng bị cấm đường nên bị vỡ kế hoạch, nguy cơ bồi thường hợp đồng cho đối tác khá lớn.
Ông Nguyễn Phúc Điền - trưởng phòng thương mại hàng hóa Vietnam Airlines - cho biết con đường "độc đạo" vào kho hàng nội địa (49 Trường Sơn) của Vietnam Airlines và Pacific Airlines cũng đang bị tắc, do các tuyến đường kết nối như Bạch Đằng, Hồng Hà, Yên Thế... đều bị giới hạn xe tải chở hàng khiến hàng hóa bị "cắt đường" đi ngay lập tức.
Theo ông Điền, do vận tải hành khách sụt giảm nghiêm trọng, nguồn thu chủ yếu của hãng bay là hàng hóa để duy trì doanh thu tối thiểu. Mỗi ngày hãng vận chuyển 150 - 200 tấn hàng hóa từ nông sản, thủy hải sản... cho khách hàng. Tuy nhiên, việc hạn chế giờ lưu thông xe tải vào các trục đường kết nối kho hàng khiến hàng hóa bị ách tắc nghiêm trọng. Xe không vào được kho hàng, máy bay cũng không thể chờ nên phải bỏ hàng lại.
Có những đơn hàng tươi sống như tôm, cua, cá... nhưng không thể vận chuyển được dù khách hàng đã mua tải. "Hàng phải để lại, tôm, cá có cứu đến mấy cũng chỉ bơm oxy khoảng 4 tiếng, nếu không kịp vận chuyển, thiệt hại ai chịu. Chúng tôi chưa có thống kê thiệt hại nhưng đây là cú giáng nặng nề cho hãng hàng không" - ông Điền nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, các DN đều khẳng định hoàn toàn bị động sau khi Sở GTVT cấm đường, giới hạn giờ xe tải lưu thông trên các tuyến đường kết nối quanh khu vực Tân Sơn Nhất. Đặc biệt, nhiều DN bức xúc cho biết trước đó đã không nhận được bất cứ thông tin nào của ngành GTVT về việc cấm đường, hạn chế giờ lưu thông.
"Đặc thù ngành vận chuyển hàng hóa là đa số sử dụng xe tải, tốc độ giao nhận phải nhanh chóng. Việc giới hạn giờ lưu thông của xe tải khiến cho hoạt động kinh doanh bị đình trệ hoàn toàn. Trong khi đó, DN không hề nhận được văn bản thông báo hay thông tin nào trước khi việc cấm đường được áp dụng" - ông Hoàng Tùng, trưởng phòng khai thác hàng hóa Công ty TNHH giao nhận hàng hóa Tân Sơn Nhất - TESC, nói.
Với kho hàng hóa hàng không lớn nhất khu vực miền Nam, đang phục vụ hơn 35 hãng hàng không quốc tế với 350.000 tấn hàng/năm, TCS cũng đang "khóc ròng" do hàng loạt đối tác logistics không thể vận chuyển hàng hóa vào kho của DN này. Theo đơn "kêu cứu" của TCS, việc đặt các biển báo cấm, hạn chế khung giờ xe tải khiến cho việc vận chuyển hơn 800 tấn hàng hóa mỗi ngày từ các nhà máy và các KCN-KCX tại phía Nam đến ga hàng hóa TCS bị gián đoạn hoàn toàn.
Không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi hoạt động 35 hãng hàng không và hàng nghìn DN logistics trên địa bàn TP.HCM, hơn 10.800 tấn hàng hóa linh kiện, sản phẩm điện tử của Samsung đang thực hiện di dời dây chuyền sản xuất màn hình máy tính về nhà máy tại Khu công nghệ cao quận 9 trong năm 2020 cũng bị đình trệ.
Ông Zang Yisheng - phó tổng giám đốc TCS - cho rằng trong bối cảnh dịch COVID-19, các chuyến bay quốc tế hủy hàng loạt, có thời điểm chỉ khoảng 10% các chuyến bay quốc nội được duy trì khai thác, nên không thể xảy ra tắc nghẽn giao thông trên các tuyến đường hướng vào khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
"Sở GTVT cần xem xét lại việc cấm đường một cách phù hợp để người dân và DN tiện đường lưu thông thuận lợi, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh" - đại diện DN này đề xuất.
Doanh nghiệp logistics trở tay không kịp
Phản ảnh đến Tuổi Trẻ, ông Zhang Yisheng - phó tổng giám đốc Công ty CP dịch vụ hàng hóa Tân Sơn Nhất (TCS) - cho biết đã nhận được phản ảnh từ các DN logistics về việc không thể vận chuyển hàng hóa vào TCS (49 Trường Sơn, Q.Tân Bình, TP.HCM) do có các biển báo cấm/hạn chế các loại ôtô, xe tải lưu thông được đặt trên các trục đường chính vào các nhà ga hàng hóa khu vực sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, có hiệu lực từ ngày 15-8.
Điều đáng nói, theo ông Zhang Yisheng, các DN logistics và các nhà ga phục vụ hàng hóa bằng đường hàng không không nhận được thông tin về việc đặt các biển báo cấm/hạn chế ôtô, xe tải lưu thông tại các tuyến đường trên. Trong khi hoàn toàn không có tuyến đường dự phòng hay thay thế nào khác cho các tuyến đường nêu trên.
"Việc này gây hậu quả nặng nề cho việc vận chuyển hơn 800 tấn hàng hóa mỗi ngày từ các nhà máy, KCN, KCX của miền Nam đến nhà ga hàng hóa của TCS, tác động trực tiếp đến việc làm của hơn 800 người lao động của công ty" - ông Zhang Yisheng nói.
TRẦN VŨ NGHI
Sở Giao thông vận tải TP.HCM nói gì?
Kể từ ngày 15-8, việc lưu thông trên các tuyến đường quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất được Sở GTVT điều chỉnh, trong đó cấm xe tải quay đầu xe rẽ trái từ đường Trường Sơn sang đường Bạch Đằng; cấm ôtô lưu thông từ đường Hồng Hà rẽ trái sang đường Yên Thế để đến đường Bạch Đằng. Ngoài ra, từ 6h-22h, hạn chế xe tải lưu thông hướng từ đường Hồng Hà rẽ trái vào đường Bạch Đằng; cấm ôtô lưu thông hướng từ đường Bạch Đằng rẽ trái ra đường Trường Sơn.
Theo Sở GTVT, khu vực đường Trường Sơn, Hồng Hà và Yên Thế (Q.Tân Bình) thường xảy ra ùn xe do lượng phương tiện đông, giao cắt giao thông nhiều. Để khắc phục tình trạng này, cơ quan này đã điều chỉnh tổ chức giao thông trên tuyến đường Hồng Hà, Yên Thế cho phù hợp, giảm bớt giao cắt và xung đột giữa các luồng phương tiện ở khu vực.
Cơ quan này cũng cho biết đã dán băngrôn, điều chỉnh hệ thống biển báo để hướng dẫn người dân, DN đi lại và hoạt động trong khu vực được biết từ trước đó một tuần.
THU DUNG